Vẻ đẹp hiền hòa đặc trưng của dòng sông hương xứ Huế

Mỗi lần nhắc đến sông Hương, không ít người đã phải thổn thức trước vẻ đẹp dịu dàng, dòng chạy nhẹ nhàng của con sông trong vùng đất cố đô xưa. Vẻ đẹp của sông Hương không chỉ là biểu tượng lâu đời của xứ Huế mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Cùng Bamboo Airways khám phá xem sông Hương có gì đặc biệt nhé!

Ở mỗi thời điểm trong ngày sông Hương mang một vẻ đẹp khác nhau.
Ban ngày, sông Hương mang một vẻ đẹp bình yên và thơ mộng. Dòng sông mang màu xanh ngọc bích, trong veo. Bên bờ sông là những công trình kiến trúc bao gồm đền chùa, vườn tược, rừng núi… phản chiếu xuống dòng nước êm ả. Sông Hương như một tấm lụa đào mềm mại và dịu êm trong bức tranh xứ Huế vốn đã vô cùng nên thơ.
Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời dần khuất sau những đỉnh núi cao thì ánh sáng yếu ớt còn sót lại trong ngày tỏa ra khiến cho dòng sông như được khoác lên tấm áo màu vàng cam đầy ấm áp và một màu tím nhạt đặc trưng. Phải chăng vì sự trầm mặc ấy mà người ta cho rằng hoàng hôn trên sông Hương chính là hoàng hôn buồn nhất nhưng lại đẹp nhất.

Sông Hương về đêm có những con thuyền xuôi ngược với điệu hò ngân nga, và sâu lắng. Cầu Tràng Tiền lên đèn, toả ra những ánh sáng rực rỡ, chiếu sáng một vùng sông tĩnh lặng. Bên bờ sông, những ánh đèn vàng le lói lần lượt được thắp lên. Có cơ hội đến Huế vào dịp lễ hội, bạn sẽ chứng kiến vẻ đẹp của sông Hương như được “bừng tỉnh” giữa những ánh đèn hoa đăng lấp lánh trong làn nước huyền ảo.

1. Lịch sử tên gọi sông Hương

Theo các sách cổ, trước khi mang tên sông Hương, con sông này tuỳ theo thời gian có nhiều tên khác nhau như sông Linh, sông cái Kim Trà, sông Hương Trà, sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.

Bàn về xuất xứ của cái tên sông Hương, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau như tên gọi này có liên quan đến một truyền thuyết về chúa Nguyễn Hoàng, vua Quang Trung, ảnh hưởng từ một địa danh mà dòng sông chảy qua. Hay do sông này chảy qua những cánh rừng nhiều thảo mộc có hương thơm và khi vào thành phố Huế, hương sông thơm mùi cây cỏ thiên nhiên nên được gọi là sông Hương.... Rất nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích cho cái tên sông Hương có từ đâu nhưng đến nay nguồn gốc thật sự vẫn còn là một bí ẩn.

 

2. Đặc điểm địa lý

2.1 Vị trí

Bạn đã từng thắc mắc sông Hương ở đâu chưa?
Còn được biết đến với cái tên Hương Giang, Sông Hương là con sông chảy qua thành phố Huế và các huyện, thị: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang. Những địa danh này đều nằm trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sông Hương Huế là hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Dòng chính của Tả Trạch, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng Tây Bắc với hơn 50 con thác nước kiêu hùng, chảy qua thị trấn Nam Đông rồi hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng. Hữu Trạch là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác nguy hiểm và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương ở Huế.

2.2 Vẻ đẹp từ cái nhìn địa lý

Cái đẹp của sông Hương là sự gần gũi với người dân xứ Huế. Một chút duyên dáng, đằm thắm cùng cái tình mặn mà đã làm cho hình ảnh sông Hương không chỉ in sâu vào tiềm thức của con người nơi đây mà còn gây thương nhớ cho khách du lịch. 
Đi từ ngã ba Bằng Lãng đến chân núi Ngọc Trản rồi xuôi theo dòng nước đến chùa Thiên Mụ, sau đó ghé chợ Đông Ba. Rời chợ Đông Ba đến với Cồn Hến cùng thưởng thức những món ăn đặc trưng của xứ Huế như cơm hến… Đến ngã ba Sình, nơi được đặt tên theo làng Sình có bề dày lịch sử hơn 500 năm. Ghé làng Sình, đừng quên ghé thăm xưởng vẽ tranh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Quý khách sẽ được trải nghiệm vẽ tranh dân gian, tự mình tạo ra những bức tranh bằng cách đặt giấy dó lên trên những khuôn gỗ, rồi thoa mực, tô màu, vui và thú vị. Với bản đồ sông Hương này chúng ta có thể tham quan một xứ Huế nên thơ cùng dòng sông văn hóa mà không sợ bỏ sót một địa điểm thú vị nào.

 

3. Vẻ đẹp của sông Hương trong văn học

Với tất cả vẻ đẹp ấy sông Hương đã là nguồn cảm hứng cho không ít nhà văn, nhà thơ sáng tác ra những tác phẩm để đời.

3.1 Vẻ đẹp của sông Hương qua tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” 

Bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số những tác phẩm xuất sắc lấy vẻ đẹp sông Hương làm nguồn cảm hứng.
Ở thượng nguồn dòng chảy sông Hương là “bản trường ca của rừng già” “rầm rộ dưới bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua những ghềnh thác”... Sông Hương còn được ví như “cô gái Di - gan”: phóng khoáng đầy man dại, tâm hồn tự do, trong sáng. Ở một góc nhìn khác, tác giả miêu tả sông Hương mang sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ như “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”.
Trước khi đi chảy vào Huế, sông Hương có nhịp chảy chậm rãi, “mềm như tấm lụa”. Và sau khi vào lòng Huế sông Hương không còn chảy cuồn cuộn như ở thượng nguồn mà trôi thật chậm như một mặt hồ, mang đến một vẻ đẹp cổ xưa dân dã và yên tĩnh mang lại cho người ta cảm giác yên bình.
Khi từ biệt Huế để chảy ra biển, dòng sông đẹp như một người con gái lưu luyến, thủy chung từ biệt người yêu. 
Sông Hương còn là dòng sông văn hóa, một “nhân chứng” lịch sử khi chứng kiến biết bao giai đoạn thay đổi và phát triển nơi đây. Sông Hương như một công dân có ý thức và trách nhiệm với đất nước: “biết hiến đời mình để làm nên chiến công”,... và là một “người con gái anh hùng”, cùng gắn bó qua nhiều cuộc chiến đấu anh hùng ở Huế từ thời kì trung đại, đến cách mạng tháng Tám, ...

3.2 Vẻ đẹp trong tác phẩm văn học khác

Ngoài ra sông Hương còn xuất hiện trong những tác phẩm văn học khác như: “Tiếng hát sông Hương”- Tố Hữu, bài thơ “Sông Hương” – Nguyễn Khoa Điềm… Dù cho xuất hiện trong tác phẩm văn học nào đi nữa thì hình ảnh sông Hương vẫn luôn đẹp và khiến cho khách tứ phương nhắc nhở nhau rằng hãy đến Huế rồi thăm dòng sông Hương.
Đôi nét về sông Hương giúp du khách thấy được hình ảnh sông Hương không chỉ được lưu giữ bởi sắc màu của những ánh đèn. Mà còn được ghi dấu trong tiềm thức mỗi du khách khi đặt chân đến đây bởi vẻ đẹp của nó. Còn chần chờ gì nữa hãy cùng Bamboo Airways viết tiếp những kỷ niệm trong hành trình khám phá Việt Nam bạn nhé!